Tâm sự riêng của tôi về mùa World Cup thời đại @ và mạng xã hội

Trước hết, tôi nói về World Cup thời xưa. Kì World Cup đầu tiên tôi xem trong cuộc đời là World Cup 2002, đây là kì World Cup đầu tiên của thế kỉ 21. Thời đó vẫn chưa có máy tính, internet chưa rộng rãi, thậm chí smartphone còn chưa ra đời thì tôi chỉ xem và biết đến qua tivi cùng kênh HTV7. Thực ra giải đấu và đội bóng đầu tiên tôi theo dõi trước World Cup 2002 chính là Serie A và AS Roma cũng thông qua đài truyền hình HTV7.
World Cup của thời kì cuối thập niên 90, đầu những năm 2000, cảm xúc của những người xem bóng đá thật sự dâng trào. Từ những người trẻ tuổi cho đến người cao tuổi nếu có xem World Cup cũng có nhiều hiểu biết về giải đấu nhưng những hiểu biết đó đều chỉ thông qua truyền hình, radio là chủ yếu. Rô béo thi đấu đỉnh cao đúng vào thời điểm đó vì thế Rô béo chính là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất khi nói về bóng đá và World Cup. Rô béo được nhắc đến nhiều và những thông tin liên quan đến anh đều được tra tìm khá nhiều, điều khiến cho môn thể thao vua trở nên đẹp đẽ là do họ quyết tâm tìm kiếm thông tin thông qua sách, tạp chí, báo giấy, truyền hình và radio nên hầu như không có chuyện bị sai lệch thông tin. Ngay cả những chị em phụ nữ tuổi đôi mươi ở thời đó cũng rất chịu khó tìm hiểu thông tin về giải đấu cũng như cầu thủ nào đó dự World Cup hoặc nổi tiếng trên toàn thế giới. Nếu không biết rõ những thông tin họ tìm kiếm thì có thể nhờ đến tổng đài để hỏi hoặc hỏi những người xung quanh để biết rõ hơn. Những người trẻ tuổi ngày xưa cũng chẳng mấy cố để tỏ ra mình thật sự có am hiểu, biết thì nói biết, không thì nói không. Họ rất dứt khoát trong từng câu nói, luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những gì cần biết, không tranh giành hoặc cắt ngang lời nói giữa chừng.
World Cup thời @ và mạng xã hội như thế nào? Trước hết phải nói đến mạng xã hội, facebook khi đã trở thành nơi để chia sẻ thông tin, trạng thái, cảm xúc thì những thông tin bạn đăng tải ai cũng thấy, ai cũng biết cả. Một vấn đề nữa mình tự đặt ra chính là tại sao mạng xã hội lại gây ảnh hưởng lớn đến cảm xúc xem bóng đá thời hiện đại? Mạng xã hội chính là nhân tố gây ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng ngày của con người, ăn cũng facebook, ngủ cũng facebook, đi vệ sinh cũng facebook. Dịch vụ mua bán giờ đây cũng thông qua facebook, kiếm tiền qua facebook, túm gọn lại cái gì cũng dính đến facebook cả và World Cup cũng không phải là ngoại lệ.
Sự xuất hiện của mạng xã hội, báo điện tử khiến cho những thông tin có nhiều yếu tố trái chiều, những thông tin không rõ có đúng sự thật hay không nhưng chỉ với vài dòng trạng thái, hình ảnh có thể khiến cho người dùng bị rối loạn. Đa phần nếu không am hiểu hay đam mê về lĩnh vực đó sẽ rất dễ rơi vào trạng thái quên tạm thời hoặc quên hẳn cả thông tin đó, khiến cho giới trẻ ngày nay có những hiểu biết sai lệch về môn thể thao vua. Chính vì sự sai lệch về thông tin cộng với sự xuất hiện của mạng xã hội khiến cho nhiều hình ảnh, câu nói để gây sự chú ý ngày một nhiều hơn. Những dòng trạng thái, hình ảnh không còn dính đến chuyên môn về chủ đề World Cup xuất hiện ngày một nhiều hơn vì thế ngày nay mới có chuyện a dua, đú theo mùa World Cup, lợi dụng giải đấu chỉ để trục lợi cho bản thân người đăng thôi.
Vì những ảnh hưởng của mạng xã hội lớn như thế nào mà ngay cả trong giao tiếp hàng ngày cũng bị cộng hưởng theo. Không còn là những sự chia sẻ thông tin đúng với cái chất của ngày xưa nữa, các ứng dụng trên smartphone cũng tích hợp sẵn mọi thứ về giải đấu, sự tiện lợi ấy vô tình khiến con người ta “lười vận động”, “lười vận động” ở đây chính là lười động não. Những hình ảnh thông tin hiển nhiên xuất hiện mà chúng ta chẳng cần phải nhớ gì nhiều như ngày xưa, từ đó trong mối quan hệ giao tiếp cũng bàn luận về World Cup “thao thao bất tuyệt” và mất luôn cả cảm xúc của những người xem bóng đá thật thụ. Không còn là không khí xem World Cup của ngày xưa họ xem vì tình yêu, sự tò mò, khám phá, không khí xem World Cup ngày nay nhuốm màu của việc chỉ “xem cho biết với người ta”, xem bong đá để chứng tỏ sự am hiểu của một “chuyên gia” mà ngày thường ở các giải quốc nội họ còn chẳng bao giờ xem. Những giải quốc nội ấy chính là cơ sở để tuyển chọn ra các cầu thủ tham dự World Cup.
Tuy nhiên cái nào cũng có những mặt của nó, thời xưa không có những mối quan hệ rộng rãi để chia sẻ thông tin, rất bất lợi trong việc tìm kiếm thông tin. Còn ngày nay mọi thứ đã được dọn sẵn trên bàn ăn, nhiệm vụ còn lại là thưởng thức theo cách của mình. World Cup thời @ và mạng xã hội sẽ trở nên đẹp hơn khi những người ít xem bóng đá chịu khó tương tác với những người vốn đã am hiểu nhiều về bóng đá. Dù là người gần gũi hay xa lạ nhưng chỉ cần chịu khó thấy được nội dung và tương tác với người vốn đã am hiểu ấy thì World Cup thời @ ngày nay vẫn có cảm xúc như xưa thôi.
Với riêng tôi, bản thân tôi cảm thấy rất buồn khi nhìn vào cách xem World Cup của nhiều người. Thường ngày có những người họ cố tìm cách để nói rằng bóng đá không phải là đam mê của họ và họ sẵn sàng unfollow, unfriend tôi bất kì lúc nào chỉ vì tôi lúc nào cũng bóng đá. Nhưng khi đến mùa World Cup diễn ra họ đăng bài viết, hình ảnh để chứng tỏ rằng mình có am hiểu và đam mê dữ dội lắm, điều đó khiến cho những người đam mê thật sự như mình cảm thấy thiệt thòi và bị xúc phạm vì hàng ngày phải sống trong sự dè bỉu, châm chọc, đôi khi còn không dám thể hiện tình yêu vì chính đam mê bóng đá của mình. Có thể tôi cũng gặp may mắn khi một bộ phận người ít xem bóng đá khác lại rất chịu khó tương tác, hỏi han và inbox cho tôi về World Cup cũng như diễn biến xung quanh trái bóng tròn. Sự tương tác qua lại chính là hình ảnh đẹp nhất trong việc xem World Cup thời hiện đại.
Đó chỉ là ý kiến của riêng mình, có thể nhận những gạch đá vì đôi lúc mình diễn đạt có gây hiểu nhầm. Sẵn đây mình có một câu hỏi mở dành cho mọi người đó là World Cup thời hiện đại, công nghệ hay thái độ, cái nào đáng trách hơn??????

Nhận xét