Dynamo Berlin: Sự biến mất của đế chế độc tài

Trong khoảng 10 năm từ 1979-1988, bóng đá Đông Đức luôn phải cúi đầu “sấp mặt” trước Dynamo Berlin. 10 chức vô địch liên tiếp biến Dynamo Berlin trở thành thế lực của bóng đá Đông Đức những năm cuối thập niên 70 và 80 thế kỉ trước. Để trở thành một thế lực của Đông Đức cũ, Dynamo Berlin vô tình trở thành “thú tiêu khiển” của STASI (Bộ an ninh quốc gia CHDC Đức) trong việc điều hành quản lí cho các đội thể thao “gắn mác” Dynamo.

Dynamo Berlin được thành lập vào năm 1954, đội bóng ra đời dựa trên mô hình hoạt động của CLB Dynamo Moscow để đào tạo các môn thể thao như bóng ném, điền kinh, đua xe đạp, trượt băng tốc độ, đi bộ, trượt băng nghệ thuật, hockey trên băng, đấu kiếm, quyền anh và bóng chuyền. Đến năm 1966, đội bóng đá mang tên Dynamo Berlin (BFC Dynamo) mới được thành lập. Bắt đầu mùa giải DDR-Oberliga (giải vô địch quốc gia Đông Đức) đầu tiên 1966-67, Dynamo Berlin nhận quả đắng khi đứng thứ 13 của giải đồng nghĩa với suất xuống hạng DDR-Liga. Chỉ một năm sau, Dynamo Berlin vô địch DDR-Liga mùa 1967-68 và quay trở lại Oberliga mùa 1968-69. Kể từ thời điểm đó cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ và Đông Đức sáp nhập với Tây Đức thống nhất thành CHLB Đức Dynamo Berlin trở thành cái tên quen thuộc với sân chơi Oberliga và đạt được những thành tựu nhất định.

Bảng thành tích hoành tráng của Dynamo Berlin bao gồm 10 chức vô địch DDR-Oberliga liên tiếp từ năm 1979-1988, 2 chiếc cúp quốc gia Đông Đức 1988 và 1989, siêu cúp Đông Đức 1989. Ngay cả đối thủ truyền kiếp của họ tại Đông Đức cũng có tên gọi Dynamo là Dynamo Dresden có được 8 chức vô địch Oberliga. Điều đó cho thấy nền bóng đá Đông Đức chịu sự lệ thuộc rất lớn đến từ STASI. Nhân vật làm thao túng cả nền bóng đá Đông Đức lúc bấy giờ không ai khác chính là Erich Mielke.


STASI luôn đảm bảo rằng các trọng tài sẽ điều hành các trận đấu với sự góp mặt của Dynamo Berlin. Nếu đội bóng gặp bất lợi, trọng tài có thể truất quyền thi đấu của cầu thủ đối phương bất kì lúc nào mà không có lí do gì. Khi Dynamo tìm cách ghi bàn, trọng tài không thổi còi kết thúc trận nếu Dynamo chưa thể ghi được bàn. Cụ thể vào ngày 22/3/1986, trong trận đấu giữa Dynamo Berlin gặp Lokomotive Leipzig có kết quả là 1-1. Lokomotive gặp bất lợi khi chỉ chơi với 10 người sau tấm thẻ đỏ gây tranh cãi của Matthias Liebers ở phút 84, không hiểu vì lí do gì trọng tài Bernd Stumpf thổi quả 11m dành cho Dynamo Berlin. Trên chấm pen, Frank Pastor thực hiện thành công quả 11m để mang về chức vô địch DDR-Oberliga thứ 8 cho Dynamo Berlin. Sau trận đấu, nhiều cuộc biểu tình nổ ra, ngay sau đó LĐBĐ Đông Đức DFV đưa ra quyết định cấm hoạt động bóng đá suốt đời với trọng tài Stumpf. Tuy nhiên, trọng tài Stumpf không thừa nhận và đương nhiên STASI đứng đằng sau vụ việc này, không có án phạt nào dành cho cả Stumpf lẫn Dynamo Berlin. Trong một đoạn video được quay ở một góc độ khác được xuất bản vào năm 2000, tình huống thổi phạt của trọng tài Stumpf mới được cho là không hợp lý.

Trước đó vào năm 1983, ngôi sao của CLB Eintracht Braunschweig là Lutz Eigendorf đã bị đặc vụ của STASI ám sát bằng cách gây ra vụ tai nạn giao thông được dàn xếp từ trước. Nguyên nhân của vụ án sát được cho là do Eigendorf đã chuyển sang CLB Kaiserslautern của Tây Đức từ chính CLB cũ Dynamo Berlin và bị mang tiếng là “kẻ phản bội”. Cuộc đào ngũ của ông từ Đông Đức sang Tây Đức vượt qua bức tường Berlin vào năm 1979 khiến ông bị UEFA cấm thi đấu 1 năm, đến năm 1980 mới được phép thi đấu cho Kaiserslautern. Chưa dừng lại ở đó, STASI còn ép những ngôi sao của bóng đá Tây Đức như Heiko Brestrich, Falko Gotz (cựu HLV tuyển Việt Nam) và Frank Pastor buộc phải đầu quân cho Dynamo Berlin. Về sau ngôi sao Frank Pastor cho rằng STASI dọa giết cả gia đình ông nếu ông từ chối khoác áo Dynamo Berlin.

Bước ngoặt tiếp theo trong lịch sử đầy tai tiếng của Dynamo Berlin chính là vào mùa giải 1988-89, mùa giải mà Dynamo Berlin không còn đứng trên bục cao nhất của Đông Đức. Khi đó, Dynamo Berlin về nhì ở DDR-Oberliga xếp sau “người anh em” Dynamo Dresden với cách biệt ít hơn 8 điểm (lúc bấy giờ 1 trận thắng chỉ được tính là 2 điểm). Kết thúc chu kì 10 năm thống trị Đông Đức theo chế độ độc tài của đội bóng được gắn mác Dynamo.

Sau khi 2 miền Đông-Tây thống nhất, đội bóng được đổi tên thành FC Berlin và trượt dốc không phanh. Ở mùa giải DDR-Oberliga cuối cùng 1990-91, FC Berlin đứng thứ 11/14 đội tham dự. Dựa vào thành tích của các đội bóng ở mùa giải năm đó khi các đội bóng Đông Đức gia nhập vào hệ thống bóng đá Tây Đức, FC Berlin bị đánh xuống giải hạng 3 Đức với tên gọi giải đấu là NOFV-Oberliga. Về sau đến năm 1999, đội bóng được đổi tên thành BFC Dynamo để xóa đi vết nhơ khó rửa sạch trong lòng người dân thủ đô Berlin nói riêng và cả người Đức nói chung. Hiện tại BFC Dynamo đang thi đấu ở giải hạng 4 Đức là Regionalliga Nordost.

10 năm liền thống trị bóng đá Đông Đức theo chế độ độc tài đã đủ phản ánh bộ mặt đáng xấu hổ của đội bóng được sự hậu thuẫn đến từ STASI. Một phần nào đó nền chính trị đã tác động không nhỏ đến môn thể thao vua, vốn dĩ là môn thể thao không biên giới. Khi một đội bóng đã từng có tên có tuổi đang ngụp lặn ở giải hạng thấp thì gần như rất ít người biết đến scandal đáng xẩu hổ đó của một cái tên giờ đây đã vang bóng một thời, có lẽ là xấu hổ nhất lịch sử bóng đá thế giới. Thay vì đó người ta chỉ biết đến Calciopoli 2006, scandal dàn xếp tỉ số của Olympique Marseille năm 1993, scandal trọng tài World Cup 2002, Koriopolis 2011 ở Hy Lạp hay scandal phản đối trọng tài tại Madagascar năm 2002,…

Nguồn: https://www.facebook.com/BLVStevenYi/photos/a.725832540846173.1073741828.725755980853829/1321836064579148/?type=3&theater

Nhận xét